Sự độc quyền trò chơi là một phần quan trọng trong chiến lược của PlayStation nhằm vượt trội so với các đối thủ Xbox và Nintendo.
Cựu giám đốc điều hành PlayStation Shawn Layden mới đây đã chia sẻ với các game thủ những bất bình của mình về tính độc quyền trò chơi trên PS5 và chia sẻ lý do tại sao nó không phù hợp với ngành công nghiệp trò chơi hiện đại, nơi mà ngân sách phát triển ngày càng tăng và tình trạng sa thải nhân viên tràn lan.Như các game thủ đã thấy, dựa dẫm vào sự độc quyền trò chơi là một phần quan trọng trong chiến lược của PlayStation nhằm vượt trội so với các đối thủ Xbox và Nintendo. Trên khắp thế hệ máy chơi game hiện tại, công ty đã tận dụng các sản phẩm độc quyền của PlayStation, chẳng hạn như God of War: Ragnarok và Marvel’s Spider-Man 2, để gặt hái thành công thương mại đáng chú ý. Tuy nhiên xem ra không phải ai từng làm việc cho gã khổng lồ game console này cũng đều ủng hộ việc giới hạn các trò chơi ở một nền tảng.
Trong một cuộc phỏng vấn với VentureBeat, cựu giám đốc của Sony Interactive Entertainment Worldwide Studios là Shawn Layden cho rằng tính độc quyền là một vấn đề hơn là một đặc quyền. Theo cựu chủ tịch, “khi chi phí cho một trò chơi của bạn vượt quá 200 triệu đô, tính độc quyền là điểm yếu chí mạng của bạn.” Layden nhấn mạnh rằng chính tính độc quyền đối với các trò chơi miễn phí và dịch vụ trực tiếp đã giới hạn lượng người chơi, điều này làm hạn chế doanh thu. Hơn nữa Layden cũng nói đến sự thành công mạnh mẽ của trò chơi dịch vụ trực tiếp mới nhất của PlayStation, Helldivers 2, được phát hành đồng thời trên PS5 và PC mà không hề độc quyền.
Độc quyền là chiến lược quan trọng của Sony để bán máy chơi game PlayStation.
Mặc dù Layden thừa nhận rằng tính độc quyền không gây tổn hại lắm đến các trò chơi một người chơi, nhưng anh ấy nói, “Đối với các trò chơi một người chơi, điều đó không hẳn vậy. Nhưng nếu bạn đang chi 250 triệu USD để làm một tựa game, bạn muốn có thể bán nó cho càng nhiều người càng tốt, ngay cả khi chỉ tăng thêm 10%.”
Điểm thu hút lớn đối với PlayStation vào năm 2023 là Marvel’s Spider-Man 2, được xây dựng với kinh phí hơn 300 triệu USD tương đương khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Một năm trước, God of War: Ragnarok đã ra mắt sau khoảng 200 triệu USD tức khoảng 5 nghìn tỷ đồng được chi cho việc phát triển trò chơi. Rõ rang là ngân sách của các trò chơi AAA đình đám không ngừng tăng lên, khiến việc tạo ra lợi nhuận càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc phát hành trò chơi độc quyền trên một nền tảng duy nhất sẽ trở thành một bước đi mạo hiểm. Trong trường hợp xấu nhất thì doanh số bán hàng kém hiệu quả có thể buộc các nhà phát triển phải cắt giảm chi phí, dẫn đến làn sóng sa thải tương tự như làn sóng hiện đang tàn phá ngành trò chơi.
Mặc dù tập trung vào tính độc quyền trong nhiều năm qua nhưng có vẻ như PlayStation cuối cùng cũng đang dần thay đổi. Bắt đầu với Horizon Zero Dawn vào năm 2020, công ty đã liên tục chuyển các tựa game độc quyền của mình sang PC. Kể từ đó thì thời gian PlayStation cần để đưa một trò chơi độc quyền lên PC ngày càng giảm đi. Horizon Zero Dawn phải mất 3 năm mới có mặt trên PC, trong khi Horizon Forbidden West dự kiến sẽ có mặt trên PC chỉ 2 năm sau khi ra mắt lần đầu. Helldivers 2 ra mắt cùng lúc trên PS5 và PC cũng là điều chưa từng có trong thời gian gần đây. Trong tương lai, sẽ rất thú vị để chúng ta theo dõi cách PlayStation định hình chiến lược PC của mình và liệu điều đó có phù hợp với quan điểm của Layden hay không.